9 KỸ NĂNG MỀM MỌI NHÂN VIÊN CẦN TRANG BỊ TRONG KỶ NGUYÊN TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI)

Thứ Hai, 26-10-2020
Không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của công nghệ và dữ liệu trong kỷ nguyên của Trí tuệ Nhân tạo (AI), của Big Data và tự động hóa (Automation). Tuy nhiên, hiển nhiên rằng con người vẫn đóng một phần vô cùng quan trọng trong công việc, khi mà robot không thể hoàn toàn thay thế những bộ não tự nhiên.

Vậy những kỹ năng nào sẽ trở thành hành trang quý giá mà các nhân viên cần trau dồi để hội nhập trong kỷ nguyên số? Liệu những nhà tuyển dụng tương lai cần quan tâm đến những nhân tố nào trong khả năng của ứng viên để thực sự lựa chọn được một nhân sự tiềm năng cho doanh nghiệp của mình? Dưới đây là 9 kỹ năng mềm mà Bernard Marr gợi ý bạn cần thực sự chăm chỉ rèn giũa.

1. Sáng tạo

Robot cùng máy móc làm việc không biết mệt và có khả năng đảm đương khối lượng công việc to lớn. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất khiến chúng khó có khả năng cạnh tranh với con người chính là sự sáng tạo, tưởng tượng, phát minh và mơ mộng. Sự phát triển không ngừng của công nghệ đòi hỏi phải liên tục xuất hiện những hướng tư duy mới để cải tiến các hoạt động và ngày càng đẩy năng suất lên cao hơn. Điều này khiến việc tư duy sáng tạo và sự sáng tạo của con người trở thành tài sản vô cùng quý giá.

2. Tư duy phản biện

Cũng giống như tư duy sáng tạo, khả năng tư duy phản biện sẽ trở thành yếu tố tối quan trọng, đặc biệt là khi bản chất của nơi làm việc và sự phân chia lao động giữa con người, máy móc đang thay đổi. Người có khả năng tư duy phản biện có thể đưa ra những ý tưởng đổi mới, giải quyết vấn đề phức tạp và cân nhắc ưu nhược điểm của các giải pháp khác nhau. Tất cả những điều đó đều dựa trên tính logic và lý luận, thay vì dựa vào bản năng hoặc cảm xúc.

 3. Trí tuệ cảm xúc (EQ)

Trí tuệ cảm xúc, hay còn gọi là EQ (IQ cảm xúc), là khả năng nhận thức, kiểm soát và thể hiện cảm xúc của bản thân,  cũng như nhận thức được cảm xúc của người khác. IQ quyết định năng lực tối thiểu, tuy nhiên EQ mới quyết định thực lực tối đa. Người có chỉ số EQ cao thường rất hòa đồng, dễ làm quen với nhiều người mới vì thế mà họ có rất nhiều mối quan hệ tích cực, dễ dàng thích nghi với môi trường xung quanh và từ đó cũng xây dựng được mối quan hệ cộng sự bền vững để hỗ trợ cho công việc. Vì máy móc khó có thể mô phỏng sự kết nối giữa người với người, nên hiển nhiên những người sở hữu EQ cao sẽ được trọng dụng hơn ở nơi làm việc.

4. Kỹ năng giao tiếp giữa cá nhân với cá nhân

Đây là một kỹ năng liên quan khá nhiều tới EQ. Khả năng trao đổi thông tin thành công với mọi người là một kỹ năng quan trọng để đạt được hiệu quả cao trong công việc. Nhân viên cần phải trau dồi khả năng giao tiếp hiệu quả với người khác, bằng việc sử dụng đúng ngữ điệu và ngôn ngữ cơ thể để truyền tải thông tin một cách rõ ràng.

5. Chủ động học tập với tinh thần cầu tiến

Cầu tiến được hiểu là tinh thần luôn luôn muốn học hỏi để bản thân có thể tiến bộ hơn và đạt được những thành tích cao hơn. Tinh thần cầu tiến bao hàm lòng ham muốn được hơn người về tất cả mọi phương diện. Một người có tinh thần cầu tiến hiểu được năng lực hiện tại của họ và luôn chủ động trau dồi các kỹ năng nâng cao năng lực ấy. Có tinh thần cầu tiến tức là con người cần phải có tinh thần phục thiện. Điều đó có nghĩa là bạn phải biết lắng nghe những lời đóng góp ý kiến, đánh giá, thậm chí là phê bình từ mọi người xung quanh, phải luôn công nhận sự thật và nhận thức được mình làm đúng hay sai và có biện pháp khắc phục, sửa chữa. Nhờ vào AI và những công nghệ tân tiến nhanh chóng hiện nay, các kỹ năng sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời, vì vậy cầu tiến luôn là một nhân tố quan trọng để tự thúc đẩy bản thân không tụt hậu với sự phát triển của thế giới xung quanh. 

6. Khả năng phán đoán và ra quyết định

Chúng ta đều biết rằng máy tính có khả năng xử lí thông tin nhanh hơn bộ não của con người. Tuy vậy, con người mới là người có trách nhiệm đưa ra những quyết định quan trọng trong kinh doanh của một tổ chức. Chính con người mới phải cân nhắc những tác động của các quyết định tới việc kinh doanh và nhân viên. Kỹ năng phán đoán là quá trình tư duy “nhảy tắt”, nó bỏ qua những bước trung gian để trực tiếp rút ra kết luận. Mặc dù mối liên hệ giữa các thông tin chưa được xem xét tỉ mỉ, kỹ càng vì không đủ thời gian hoặc thông tin đó không thể tìm kiếm thì phán đoán sẽ là một kỹ năng cực kỳ quan trọng trong phát kiến và phát minh, nó đóng vai trò không thể thiếu về mặt dự kiến, nêu giả thiết và tìm tòi phương pháp… Lúc này, thành công hay không là tùy thuộc vào kỹ năng phán đoán. 

Kỹ năng ra quyết định là một loạt các kết luận và hoạt động của bản thân để đưa ra một quyết định đảm bảo đạt được một kết quả nào đó theo mong muốn. Bản chất của việc đưa ra quyết định của con người cũng phần nào thay đổi - nói một cách cụ thể là công nghệ sẽ có thể đưa ra những quyết định đơn giản, còn con người sẽ tập trung vào những quyết định quan trọng hơn, phức tạp hơn.

7. Kỹ năng lãnh đạo

Lãnh đạo không chỉ là một kỹ năng mà là sự kết hợp của nhiều kỹ năng mềm khác, được một người sử dụng khi tổ chức, sắp xếp công việc cho những người khác để đạt được mục tiêu chung.

Nơi làm việc trong tương lai sẽ khá khác so với cách tổ chức và phân cấp hiện tại. Các nhóm dự án, nhóm làm việc từ xa, và các cơ cấu tổ chức linh hoạt có thể sẽ trở nên phổ biến hơn. Điều này càng đòi hỏi có thêm những người dẫn dắt từng hoạt động, để giải quyết các vấn đề và tiến hành những giải pháp. Một nhà lãnh đạo giỏi cần sự kiên nhẫn, đồng cảm, biết lắng nghe, đáng tin cậy, sáng tạo, tích cực, giỏi giao tiếp, xây dựng môi trường tập thể, uyển chuyển, linh hoạt, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và có khả năng giảng dạy hoặc cố vấn. Các nhà lãnh đạo giỏi là lực lượng cần thiết cho bất kỳ công ty, tổ chức nào. Họ có thể hỗ trợ xây dựng các đội, nhóm mạnh trong doanh nghiệp và đảm bảo các dự án, sáng kiến ​​hoặc công việc khác được tiến hành trôi chảy.

8. Sự đa dạng và thông minh về văn hóa

Trí thông minh văn hóa (cultural intelligence) là thuật ngữ mới xuất hiện gần đây chỉ khả năng làm việc và giao tiếp hiệu quả trong môi trường đa văn hoá. Hai người có cùng trình độ chuyên môn, nhưng người có trí thông minh văn hoá cao hơn sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc hợp tác, hòa nhập trong môi trường đa sắc tộc. Ngược lại, trí thông minh văn hóa nếu bị bỏ mặc có thể là một yếu tố ngăn trở công việc phát triển. Môi trường làm việc ngày càng đa dạng và cởi mở hơn, vì vậy nhân viên cần tôn trọng, hiểu và thích nghi với những cách nhìn nhận thế giới khác mình. Việc này không chỉ cải thiện sự tương tác của mọi người trong công ty mà còn giúp cho các dịch vụ và sản phẩm của công ty được toàn diện hơn.

9. Đón nhận sự thay đổi

Khi nói về AI, người ta chứng kiến một tốc độ thay đổi thật đáng kinh ngạc. Con người phải liên tục đón nhận, thậm chí là chào mừng sự thay đổi. Các nhân viên cần phải linh hoạt và thích ứng với đòi hỏi cao hơn của nơi làm việc, của kỳ vọng, và những kỹ năng cần có trong công việc. Một điều quan trọng hơn nữa là họ phải xem sự thay đổi như là cơ hội để phát triển chứ không phải gánh nặng.

Để kết lại, chúng ta không cần thiết phải quá phụ thuộc vào AI. Bộ não của con người vốn đã vô cùng phi thường. Nó phức tạp và mạnh hơn bất cứ trí thông minh nhân tạo nào đang tồn tại. Vậy nên, thay vì lo sợ về AI, sự tự động hóa và những thay đổi nó mang lại cho công việc hiện nay, tất cả những điều chúng ta nên làm là tìm cách khai thác năng lực độc đáo của chính bản thân và trau dồi các kỹ năng mềm - những kỹ năng sẽ ngày càng trở nên càng quan trọng trong công việc tương lai

Theo: Trinhminhgiang.com

share