Liệu tốt nghiệp Cao đẳng có thể lên làm Quản lý?

Thứ Sáu, 17-07-2020
Đó chính là một trong những nội dung đặc biệt trong phần chia sẻ của Chủ tịch Hoàng Nam Tiến với sinh viên Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic tại Ngày hội việc làm “Nghề hot - Job thơm” 2020 diễn ra sáng 13/07.

Tìm kiếm một công việc phù hợp với sở thích, đam mê đồng thời có mức thu nhập khá là nỗi trăn trở của không ít bạn sinh viên sắp ra trường. Đặc biệt do ảnh hưởng của Covid-19, thị trường lao động tại Việt Nam trong thời gian qua có không ít biến động, sinh viên nói riêng và người lao động nói chung cần phải thực sự nhạy bén nắm bắt tình hình và có sự lựa chọn đúng đắn.

Xu hướng “Nghề hot" trong thời đại 4.0

Trong phần chia sẻ của mình tại chương trình, Chủ tịch Hoàng Nam Tiến có đặt ra vấn đề: Công nghệ và máy móc ngày càng phát triển mạnh mẽ, có rất nhiều công việc có thể sẽ được thay thế hoàn toàn bằng máy móc sau 5 - 10 năm nữa. Vậy nên chọn nghề thế nào để làm chủ công nghệ và làm chủ sự nghiệp của bản thân?

Thực vậy, theo một nghiên cứu tại Mỹ, 25% việc làm đang có nguy cơ cao và 36% việc làm có nguy cơ trung bình sẽ bị thay thế bởi công nghệ và robot. Trong thời đại công nghệ, trí tuệ nhân tạo, máy móc phát triển vượt trội, khái niệm “nghề nghiệp ổn định” đã không còn đúng nữa khi bất kỳ công việc nào cũng có thể được hoàn thành bởi máy móc, thậm chí với năng suất cao hơn gấp hàng trăm lần con người. Một “nghề hot” hiện nay có thể sẽ không còn tồn tại sau 10 năm nữa. Trước thực tế đó, không chỉ riêng sinh viên mà mỗi cá nhân đều cần có sự nhạy bén với những biến đổi của thị trường lao động và lựa chọn tỉnh táo.

Về bản chất, máy móc sẽ thay thế được vai trò của con người nếu công việc đó có dữ liệu đầu vào ổn định, đủ để phần mềm có thể phân tích và tìm ra giải pháp. Cụ thể, những công việc có tính chất lặp đi lặp lại như hành chính văn phòng, dịch vụ thực phẩm, sản xuất gia công; các công việc liên quan đến quy tắc, mã hóa dữ liệu và các công việc có thu nhập trung bình, ít đòi hỏi chuyên môn dễ có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc. Trái lại, những công việc đặc thù, yêu cầu chuyên môn cao, đặc biệt những công việc liên quan đến kinh nghiệm, giá trị cảm xúc của con người thường khó có thể bị thay thế bởi những cỗ máy được lập trình.

Trong mùa dịch Covid, trong khi các công ty điêu đứng, người lao động mất việc thì ở FTEL, không những nhân viên không mất việc mà thậm chí có rất nhiều bạn tăng NSLĐ, tăng thu nhập lên gấp 2, gấp 3 lần nhờ tận dụng được những lợi thế mà máy móc không thể làm được.

FPT Telecom đã phát triển hệ thống các công cụ bán hàng online như MXH, website, ứng dụng điện thoại,... nhưng tổng doanh thu đa phần vẫn đến từ hình thức D2D (đến trực tiếp nhà Khách hàng); nhiều Best Sale tại các chi nhánh cũng khẳng định Khách hàng đến từ bán hàng online chỉ chiếm 20 - 30% tổng số Hợp đồng chốt được hàng tháng, kể cả trong các tháng mùa dịch bị hạn chế tiếp xúc.

Điều này chứng tỏ sự thuyết phục trực tiếp; kỹ năng và thái độ của NV bán hàng có giá trị hơn nhiều những thông tin mà Khách hàng tìm hiểu qua các kênh online. Đây là điều máy móc, công nghệ không thể thay thế con người được. Chúng ta đang sống trong thời đại “bán” Trải nghiệm chứ không chỉ bán Sản phẩm/Dịch vụ. Và Trải nghiệm đó chỉ có thể mang lại bởi sự quan tâm, thấu hiểu - những giá trị cảm xúc mà máy móc không thể thay thế hoàn toàn

"Job thơm" có phụ thuộc vào bằng cấp?

Một trong những vấn đề được rất nhiều bạn sinh viên Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic quan tâm chính là cơ hội phát triển nghề nghiệp đối với một sinh viên tốt nghiệp hệ Cao đẳng khi thị trường lao động đang cạnh tranh rất lớn. Liệu tốt nghiệp Cao đẳng có thể lên làm Quản lý hay không? - 

Chủ tịch Hoàng Nam Tiến đã giúp các bạn sinh viên trả lời câu hỏi đó bằng những minh chứng cụ thể của FTEL. Ngay tại FTEL, có rất nhiều Cán bộ Quản lý tốt nghiệp hệ Cao đẳng, hiện đang quản lý hàng trăm nhân sự và chịu trách nhiệm cho những dự án lớn của công ty. Xã hội hiện đại đòi hỏi nhiều ở người lao động hơn là bằng cấp dù bằng cấp thực chất cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nếu tốt nghiệp Cao đẳng bạn chỉ có thể làm thợ hay nhân viên. Sự thăng tiến trong công việc hiển nhiên phụ thuộc vào chuyên môn, trình độ nhưng đồng thời cũng cần kỹ năng mềm, khả năng thích nghi và ứng biến với những thay đổi của xã hội. Do vậy, các bạn sinh viên thay vì lo lắng hãy tích cực trau dồi kiến thức, kỹ năng để liên tục phát triển mình, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của công việc.

4 kỹ năng cần có của sinh viên để không lo thất nghiệp đó chính là kỹ năng tự học, chủ động nắm bắt thay đổi của thị trường lao động, học thêm kỹ năng mới và hãy coi tiếng anh như một ngôn ngữ, chứ không phải ngoại ngữ. Việc học Cao đẳng, Đại học, Thạc sỹ hay Tiến sỹ đã không còn là vấn đề quan trọng mà hơn hết, trong thời gian sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường đã học được những kỹ năng gì. Điều đó quyết định đến tương lai và công việc của các bạn nhiều hơn là vấn đề học trường nào” - Chủ tịch Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.

Chúng ta không cần phải đợi 10 hay 20 năm nữa để thấy được sự biến động của thị trường lao động. Ngay trong mùa dịch Covid vừa qua, cả nền kinh tế cũng như thị trường lao động đã bị đảo lộn, các loại hình dịch vụ đóng băng hoạt động, nhu cầu làm việc từ xa, kinh doanh online tăng mạnh; vai trò của công nghệ và chuyển đổi số được đề cao hơn bao giờ hết. Chính trong những biến động đó giúp chúng ta nhìn nhận tổng quan và rõ ràng hơn về nghề nghiệp trong thời đại công nghệ.

Có lẽ không chỉ sinh viên sắp tốt nghiệp mà mỗi lao động trên thị trường đều cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chính xác để luôn giữ thế chủ động với công việc của chính mình!

Nguồn: Foxnews.fpt.vn

share