Thay đổi hành vi tiêu dùng – tương lai của thanh toán không tiền mặt

Thứ Hai, 01-02-2021
Nhưng khi đại dịch Covid -19 xảy đến, hành vi và thói quen tiêu dùng thay đổi theo hướng tích cực, có xu hướng ưu tiên các hình thức thanh toán phi tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện đử, thanh toán qua tài khoản ngân hàng và thanh toán trực tuyến.

Thế giới đã bước qua một năm chống chọi đại dịch Covid -19 với nhiều khó khăn, thách thức. Tại Việt Nam, có thể thấy rõ ràng nhất, đại dịch Covid -19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, suy giảm hoạt động thương mai, du lịch, bán lẻ qua đó làm giảm chi tiêu của người dùng. Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, Covid-19 đã tác động làm gia tăng sự dịch chuyển của kinh tế số nói chung và xu hướng thanh toán số nói riêng. Hành vi và thói quen tiêu dùng được cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực, trong đó thanh toán của người dân theo xu hướng giảm các hình thức bằng tiền mặt sang gia tăng các hình thức phi tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện đử, qua tài khoản ngân hàng và thanh toán trực tuyến…, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam.

Covid-19 thay đổi hành vi tiêu dùng

Dưới góc độ là doanh nghiệp trong lĩnh vực thanh toán, ông có thể chia sẻ đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi như thế nào trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Quang Hưng: Đại dịch Covid-19 có tác động to lớn đến nền kinh tế toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng, Covid -19 là cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây. Mức độ nghiêm trọng đã vượt xa khủng hoảng tài chính 2008, thậm chí vượt cả đại suy thoái ở Mỹ vào những năm 1930. Mặc dầu còn có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng tất cả đều thống nhất rằng, kinh tế toàn cầu sau đại dịch sẽ rất khác so với trước đây.

Tại Việt Nam, có thể thấy những tác động rõ ràng nhất của đại dịch Covid -19 trực tiếp tác động tiêu cực đến nền kinh tế, việc làm, suy giảm hoạt động thương mai, du lịch, bán lẻ qua đó làm giảm chi tiêu của người dùng.

Ở khía cạnh tích cực, đại dịch Covid-19 tác động làm gia tăng sự dịch chuyển của kinh tế số nói chung và xu hướng thanh toán số nói riêng. Theo báo cáo phân tích của McKinsey (The 2020 McKinsey Global Payments Report), Covid-19 đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển ngân hàng truyền thống trên môi trường vật lý sang môi trường số hóa. Tại Úc 4 ngân hàng lớn nhất đã đóng 175 chi nhánh và 2150 ATM từ tháng 6.2020. Tại một số quốc gia Châu Á như Singapore đã cấp giấy phép cho Ngân hàng số (Digital banking) cho cả ngân hàng truyền thống (DBS, UOB, OCB), các công ty công nhệ (Ant Financial, Grab); Hàn Quốc cấp giấy phép cho Ngân hàng tên nền tảng mobile như Kakao Bank, các giấy phép cho fintech hoạt động ngân hàng số như Kiwoom, Toss. Các ngân hàng hàng số hoạt động chủ yếu cung cấp dịch vụ tài khoản và thanh toán trên nền tảng số.

Xu hướng thanh toán chuyển dịch sang các phương tiện thanh toán trên nền tảng kỹ thuật số như thanh toán tức thời dựa trên tài khoản (instance payments) được áp dụng cả trên nền tảng thương mại điện tử và các điểm bán hàng truyền thống; thanh toán thẻ không tiếp xúc, thanh toán mobile NFC, các phương thức thanh toán dựa trên nền tảng ví điện tử (Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á), thanh toán dựa trên các yếu tố sinh trắc học như khuôn mặt, giọng nói…

Việt Nam là một trong số ít quốc gia được đánh giá là kiểm soát tốt dịch bệnh. Việt Nam đã nỗ lực trong nhiều năm để giảm tỷ trọng thanh toán tiền mặt trong nền kinh tế, nhưng gặp phải rất nhiều khó khăn bủa vây, một trong những lý do tiền mặt còn phổ biến đó là tập quán và thói quen của người dân về chi tiêu ăn sâu trong tiềm thức mỗi người chưa thể thay đổi một sớm một chiều. Nhưng khi đại dịch Covid -19 xảy đến, hành vi và thói quen tiêu dùng được cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực, thanh toán của người dân theo xu hướng giảm các hình thức thanh toán bằng tiền mặt sang các hình thức thanh toán phi tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện đử, thanh toán qua tài khoản ngân hàng và thanh toán trực tuyến có xu hướng gia tăng.

Qua theo dõi dữ liệu từ hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử của Napas cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội (tháng 4/2020) tổng lượng giao dịch giảm (-11%) so với tháng trước đó, tuy nhiên các giao dịch qua kênh thương mại điện tử (E-Commerce) có xu hướng gia tăng. Số liệu thống kê đến tháng 11/2020 qua hệ thống Napas cho thấy, tổng số lượng giao dịch tăng 83% và tổng giá trị giao dịch tăng 123% tăng so với cùng kỳ năm 2019. Do đó có thể nhận định rằng Covid-19 đã góp phần tích cực trong việc đổi hành vi thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

Hệ thống Ngân hàng, các Trung gian thanh toán, Fintech đã cung cấp nhiều hình thức thanh toán hiện đại như thanh toán qua internet banking, mobilebanking, thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã QR và gần đây là các phương thức thanh toán hiện đại đang được thử nghiệm như thanh toán bằng khuôn mặt. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng đã thực hiện nhiều lần miễn giảm giảm phí dịch vụ thanh toán, đặc biệt với các khoản thanh toán giá trị nhỏ (dưới 2 triệu đồng), triển khai nhiều chương trình khuyến mại, truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó góp phần hạn chế tiếp xúc trực tiếp và giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch.

Hơn 100 triệu chủ thẻ tiếp cận được các dịch vụ công cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia

Như vậy có thể thấy, trong năm 2020, trong khi rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng ngưng sản xuất, giảm lợi nhuận trong bối cảnh giãn cách xã hội, hạn chế các tiếp xúc, NAPAS đã nhanh chóng biến “nguy thành “cơ” trong bối cảnh đó?

Đại dịch Covid-19 là cơ hội để ngành ngân hàng phát triển và mở rộng các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt tới nhiều nhóm khách hàng mới. Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều khách hàng đã làm quen với hình thức mua sắm trực tuyến (online) và các hình thức thanh toán hiện đại khác như: thẻ không tiếp xúc, mobile banking; từ phía người bán hàng cũng đã triển khai nhiều chấp nhận các phương tiện thanh toán không tiền mặt như chấp nhận hình thức chuyển khoản qua ngân hàng, chấp nhận thanh toán qua mã QR, chấp nhận thanh toán thẻ.

Từ phía Napas chúng tôi xác định đại bệnh Covid-19 là cú hích thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Trong thời gian qua Napas tập trung nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tăng cường các biện pháp an ninh bảo mật để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng gia tăng; Phối hợp cùng Văn phòng chính phủ tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia, qua đó giúp cho hơn 100 triệu chủ thẻ của tất cả các ngân hàng Việt Nam tiếp cận được các dịch vụ công cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Napas phối hợp và đồng hành với các Ngân hàng trong việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở do NHNN ban hành. Napas cũng hợp tác với các công ty Fintech trong việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiền tiến để đưa ra các sản phẩm thanh toán.

Mở rộng, phát triển hệ sinh thái thanh toán cho thẻ chip tiếp xúc và không tiếp xúc

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, có thể trong vài năm tới, thế giới vẫn phải chung sống với dịch Covid-19. NAPAS sẽ đối mặt với những thách thức và nắm bắt cơ hội nào để triển khai trong thời gian tới, thưa ông?

Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ, dự báo năm 2021 các doanh nghiệp mới thực sự chịu tác động nặng nề. Song Covid-19 cũng là cơ hội để các chính phủ, bộ ngành, các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, thay đổi cách tiếp cận truyền thông tới người dân và khách hàng.

Trong thời gian tới đây Napas sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thanh toán ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung chuyển đổi số cho hoạt động thanh toán, tiếp tục phối hợp Văn phòng Chính phủ trong việc triển khai Dịch vụ công cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên có tác động trực tiếp đến hoạt động thường ngày của mọi người dân như: Y tế, Giáo dục, Giao thông vận tải.

Tổ chức vận hành Hệ thống thanh toán bán lẻ và bù trừ tự động (ACH), tiếp tục phối hợp với các ngân hàng, các cơ quan chính phủ trong việc mở rộng kết nối đến hệ thống ACH. Triển khai các sản phẩm dịch vụ thanh toán mới trên nền tảng kỹ thuật hệ thống ACH .

Tiếp tục phối hợp với các Ngân hàng trong việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip; mở rộng, phát triển hệ sinh thái thanh toán cho thẻ chip tiếp xúc và không tiếp xúc, ngoài tính năng an toàn, bảo mật, thẻ chip không tiếp xúc phù hợp trong thanh toán giao thông công cộng, thanh toán dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống như xăng dầu, siêu thị.

Bên cạnh đó, Napas tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh chính sách phí dịch vụ để mọi người dân đều được hưởng dịch vụ thanh toán nhanh chóng, an toàn và thuận tiện.

share