Ứng dụng truy vết hoạt động ở các nước ra sao

Thứ Hai, 01-02-2021
Các nước châu Âu, châu Á và Mỹ đầu tư hàng triệu USD phát triển ứng dụng truy vết trên smartphone

Khi Covid-19 lan ra toàn thế giới, nhiều nước tìm đến công nghệ như một biện pháp quan trọng góp phần ngăn chặn sự lây lan của virus. Nhiều công cụ đã được thử nghiệm và triển khai như quét mã QR, đeo vòng tay định vị, đo thân nhiệt tự động, AI nhận diện khuôn mặt... Trong số này, một giải pháp thu hút sự chú ý lớn là ứng dụng truy vết thông qua Bluetooth.

Ứng dụng truy vết đang được triển khai ở nhiều nước nhưng mức độ đón nhận khác nhau. Ảnh: ET.

Ứng dụng truy vết đang được triển khai ở nhiều nước nhưng mức độ đón nhận khác nhau. Ảnh: E&T.

Châu Á

Các nước châu Á triển khai ứng dụng truy vết từ khá sớm, như Singapore từ giữa tháng 3/2020, hay Việt Nam trong tháng 4/2020.

Đối với người Singapore, Covid-19 gắn liền với hai công nghệ. Đầu tiên là mã QR trong hệ thống SafeEntry. Bất kỳ ai vào một địa điểm công cộng, như nhà hàng, cửa hàng, trung tâm thương mại... phải quét mã và đăng ký bằng tên, số ID, hộ chiếu, số điện thoại. Nếu một người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, các thiết bị theo dõi tiếp xúc sẽ xuất thông tin về những trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm. Thứ hai là ứng dụng truy vết TraceTogether, sử dụng kết nối Bluetooth để đo khoảng cách và lưu lịch sử tiếp xúc. Nếu có một ca dương tính, lịch sử tiếp xúc của người đó sẽ được Bộ Y tế giải mã để gửi cảnh báo tới người tiếp xúc gần.

Khi hai hệ thống được triển khai, không ít người tỏ ra e ngại, nhưng chính phủ Singapore khẳng định rằng dữ liệu chỉ được dùng để truy vết trong thời gian xảy ra đại dịch. TraceTogether cũng liên tục được nhắc đến như một ví dụ thành công với lượt cài đặt vượt 50% dân số nước này.

Tuy nhiên, đầu tháng 1 năm nay, Bộ Nội vụ Singapore xác nhận dữ liệu truy vết có thể được cảnh sát tiếp cận để điều tra tội phạm. Tiết lộ này vấp phải phản ứng của người dân và ngay sau đó, chính phủ tuyên bố ban hành luật mới để hạn chế việc cơ quan thực thi pháp luật sử dụng dữ liệu để điều tra.

Ở Việt Nam, ứng dụng Bluezone ra đời từ tháng 4 năm ngoái, được khẳng định hoạt động dựa trên nguyên tắc bảo mật, ẩn danh và minh bạch. Hồ sơ về lịch sử tiếp xúc được mã hoá và lưu trữ cục bộ trên điện thoại, không chuyển lên hệ thống cũng như không đòi hỏi danh tính và không thu thập vị trí của người dùng.

Giữa tháng 8/2020, Bluezone vượt mốc 20 triệu lượt tải. Sau khi các ca nhiễm mới được công bố ngày 28/1, Bluezone tiếp tục vươn lên nằm trong số các ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store và Google Play. Tính đến sáng 29/1, Bluezone đã thu hút 25,3 triệu lượt tải.

Mỹ

Đa số các quốc gia giới thiệu ứng dụng truy vết tầm giữa năm ngoái, còn tại Mỹ, ứng dụng này xuất hiện không thống nhất giữa các bang.

Apple và Google tuyên bố hợp tác từ đầu tháng 4/2020, nhưng phải 5 tháng sau, hai bên mới trình làng Exposure Notifications Express. Công cụ cho phép các cơ quan y tế khởi chạy ứng dụng mà không cần viết mã, tạo tiền đề cho việc triển khai rộng rãi. Tuy nhiên, đến nay, mức độ phổ biến và tính hiệu quả của công cụ vẫn chưa rõ ràng. "Những người đứng sau những nỗ lực này cần đưa ra bằng chứng cho thấy chúng đang thực sự có tác dụng gì đó. Đến nay, cá nhân tôi chưa thấy sự hiệu quả đáng kể nào", Ryan Calo, Giáo sư tại Đại học Washington, đánh giá.

Trong khi đó, nhiều bang tại Mỹ đã chi hàng triệu USD phát triển ứng dụng truy vết riêng trước khi Exposure Notifications Express ra đời, như ứng dụng ở New York có giá 700.000 USD, còn ở Virginia là 229.000 USD.

Tính đến cuối 2020, 22 bang đã tung ra ứng dụng truy vết trong khi một số bang khác vẫn đang cân nhắc. Ví dụ, dù số ca nhiễm tăng lên, các nhà chức trách ở Illinois vẫn do dự về khả năng phát triển ứng dụng do lo ngại về quyền riêng tư cũng như tính hiệu quả thực tế.

Chi phí phát triển NY Covid Alert là 700.000 USD nhưng mới được 5% người dân New York cài đặt. Ảnh: NYTimes.

Chi phí phát triển NY Covid Alert là 700.000 USD nhưng mới được 5% người dân New York cài đặt. Ảnh: NYTimes.

Ở những bang đã triển khai, tốc độ tải ứng dụng cũng diễn ra chậm chạp. Xuất hiện từ tháng 10/2020 ở New York, số lượt tải NY Covid Alert chỉ chiếm 5% dân số tại đây tính đến tháng 12/2020. Chưa tới 3.000 trong số 180.000 ca dương tính kể từ khi ứng dụng ra đời đã cài ứng dụng, do đó tính hiệu quả không cao.

Tương tự, ứng dụng của Nevada được 4% dân số bang cài đặt, còn ở Virginia là khoảng 10% dân số. Ứng dụng của Colorado có vẻ phổ biến nhất với 20% dân số cài đặt theo số liệu từ Trung tâm Điều hành Khẩn cấp của bang.

Châu Âu

Ngay khi trình làng vào nửa đầu 2020, ứng dụng truy vết của Iceland đã nhanh chóng phổ biến với khoảng 40% dân số. Số lượt tải sau đó tiếp tục tăng vào mùa du lịch, do du khách được khuyến cáo tải ứng dụng để phục vụ việc phòng tránh Covid-19. Tuy nhiên, không giống một số ứng dụng khác ở châu Âu chỉ sử dụng Bluetooth, phần mềm của Iceland sử dụng cả GPS để xác định vị trí điện thoại với sự cho phép của người cài đặt.

Tại Thụy Sĩ, ứng dụng SwissCovid bắt đầu được thử nghiệm từ 25/5/2020 và sau bốn tháng đã thu hút 2,3 triệu lượt tải trên tổng số 8,5 triệu dân. Tháng 9/2020, ứng dụng đưa ra cảnh báo trung bình 56 trường hợp tiếp xúc mỗi ngày và được đánh giá tốt.

Ra mắt vào tháng 6/2020, ứng dụng theo dõi của Đức được coi là "công cụ bổ sung quan trọng để giảm tỷ lệ lây nhiễm". Sau 3 tháng, ứng dụng được tải xuống 17,8 triệu lần (dân số nước này là 83 triệu).

Ngược lại, giải pháp StopCovid được chính phủ Pháp công bố đầu tháng 6 năm ngoái không thuyết phục được người dân như mong đợi. Đến giữa tháng 8/2020, nó mới được tải xuống khoảng 2,3 triệu lần, trong khi dân số nước này là 67 triệu.

Tính hiệu quả gây tranh cãi

Mô hình giả lập của Đại học Oxford (Anh) cho thấy chính phủ các nước cần kêu gọi ít nhất 56% tổng dân số sử dụng, ứng dụng truy vết mới hoạt động hiệu quả. Do đó, hầu hết các ứng dụng đang triển khai đều chưa phát huy được tiềm năng của mình do số lượt cài đặt chưa đạt mức kỳ vọng.

Cuối năm 2020, Giáo sư Sarah Kreps và Baobao Zhang, nghiên cứu sinh tại Đại học Khoa học và Nghệ thuật (Mỹ) đã khảo sát hơn 2.000 người Mỹ về các biện pháp giám sát Covid-19 khác nhau. Chỉ 42% muốn chính phủ khuyến khích sử dụng các ứng dụng truy vết, trong khi 62% tán thành biện pháp kiểm tra nhiệt độ và 57% đồng ý với phương pháp truy vết kiểu truyền thống.

Theo Newscientist, để 2/3 dân số cài ứng dụng là mục tiêu "khó nhằn". Bản thân công nghệ Bluetooth cũng có những hạn chế nhất định, ví dụ gây tốn pin, hoặc đưa ra cảnh báo giả, như hai người đứng cách nhau một bức tường cũng có thể bị coi là có nguy cơ phơi nhiễm.

Zhang và Kreps viết: "Ứng dụng truy vết về lý thuyết có thể giảm lây nhiễm virus, nhưng mô hình dịch tễ học cho thấy ứng dụng chỉ có thể góp phần ngăn chặn đại dịch nếu được ít nhất 60% dân số chấp nhận. Truy vết qua smartphone là một ví dụ về sự hợp tác có điều kiện, trong đó các cá nhân chỉ sẵn sàng tham gia nếu họ nhận thấy những người khác cũng tham gia".

share